Dự án điện mặt trời đang ồ ạt xin cấp phép tại Khánh Hòa, có phải là do Quyết định 11 của Chính phủ.
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.
Cụ thể từ ngày 1.6.2017, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).
Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về việc xem xét các dự án điện mặt trời diễn ra sáng 15-11, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát lại vị trí đề xuất thực hiện dự án điện mặt trời vì liên quan đến đất sản xuất của người dân.
Nhiều dự án
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã xem xét 9 dự án điện mặt trời, chủ yếu ở huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Đó là chưa kể những dự án trước đó đã được chấp thuận chủ trương hoặc đã được cấp giấy phép đầu tư tại TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Điều này cho thấy các chủ đầu tư đang ồ ạt xin triển khai dự án điện mặt trời tại Khánh Hòa, trong đó có những chủ đầu tư cùng lúc xin 2 dự án.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), mới đây, Công ty Cổ phần Xây lắp điện Hải Phòng đã đề nghị được đầu tư dự án điện mặt trời Thuận Phước tại thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) với diện tích khoảng 70ha, công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Dự án này đã được lấy ý kiến góp ý của địa phương và các sở, ngành liên quan. Cũng tại địa phương này, Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco xin đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Ninh Tân, với diện tích đề xuất khoảng 120ha, công suất 100MWp, chia làm 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Trong khi đó, Sở Công Thương cho biết, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Trường Thành Việt Nam đã khảo sát và có văn bản xin đầu tư dự án điện mặt trời Ninh Tân (thôn Bắc, xã Ninh Tân). Dự án có tổng diện tích 60ha, công suất thiết kế 50MW, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Tại thị xã Ninh Hòa, Sở KH-ĐT báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời Ea Krong Rou (Buôn Đun, xã Ninh Tây) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Trung làm chủ đầu tư, có diện tích khoảng 9,075ha, công suất 8MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 184,7 tỷ đồng. Sở cũng báo cáo dự án nhà máy điện mặt trời Ninh Sim do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư, có địa điểm tại hai xã Ninh Sim và Ninh Xuân với diện tích 60ha, công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 1.250 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, Công ty Cổ phần Kiều Thi đã thành lập 2 pháp nhân khác nhau để xin đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại thôn Cam Lập, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm. Hai dự án gồm: nhà máy Solar Kiều Thi Khánh Hòa và nhà máy Solar Power Kiều Thi Germany có tổng diện tích 149ha, công suất 100MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Trong khi đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng báo cáo về đề xuất dự án nhà máy điện mặt trời 50MW hồ Hoa Sơn của Công ty TNHH Encom Nha Trang tại xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh với tổng diện tích 50,2ha, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Ngoài ra còn có Dự án Khu nông nghiệp và dược liệu công nghệ cao kết hợp với năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Encom Nha Trang tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh với diện tích 60ha, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, hiện nay, huyện Cam Lâm có đến 11 dự án điện mặt trời với tổng diện tích làm dự án lên đến 800ha, trong đó riêng xã Cam Phước Tây có 3 dự án. Đến nay, các cơ quan chức năng đã đồng ý chủ trương và cấp giấy phép đầu tư cho 8 dự án, còn 3 dự án đang trong quá trình đề xuất xem xét.
Chuyên gia nước ngoài khảo sát khu vực triển khai dự án điện mặt trời ở xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm
Không được sử dụng đất đang sản xuất
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dự án nhà máy điện mặt trời Ninh Sim có 36,5ha thuộc xã Ninh Sim và 23,83ha thuộc xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). Khu vực này phần lớn là diện tích đồi núi đang trồng keo, còn diện tích đồng bằng được trồng mía và các cây hàng năm khác. Nhìn chung, phần lớn diện tích khảo sát của chủ đầu tư là đất nông nghiệp, một số diện tích đang được người dân trồng mía ổn định. Còn toàn bộ 70ha đề xuất làm dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Phước là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng mía, bạch đàn, đều đang phát triển tốt. Khu vực đề xuất dự án nằm cách sông Nhà Chay chỉ 50m, đồng thời nằm trong phạm vi phục vụ tưới tiêu của hồ chứa nước Sông Chò 1 chuẩn bị được đầu tư nên thuận lợi cho tưới tiêu nông nghiệp.
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, dự án điện mặt trời Ninh Tân có diện tích 120ha nằm ở bờ hữu Suối Nhơn (thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân), lại có 2 nhánh suối nhỏ chảy trong khu đất. Hiện trạng chủ yếu trồng cây keo và cây mía, đang phát triển tốt. Vì vậy, vị trí đề xuất làm dự án điện mặt trời chưa phù hợp với các tiêu chí đề ra. Đồng quan điểm này, ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, sau khi đi thực địa, sở nhận thấy khu vực đề xuất thực hiện dự án đang là đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, do đó việc thực hiện dự án tại đây không phù hợp với các chỉ đạo của UBND tỉnh về tiêu chí lựa chọn địa điểm làm dự án điện mặt trời. Bên cạnh đó, theo quy hoạch sử dụng đất của thị xã Ninh Hòa đến năm 2020, khu đất trên được quy hoạch phần lớn là đất trồng cây hàng năm, phần còn lại là đất trồng lúa và đất giao thông.
Tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh chỉ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Ea Krong Rou bởi vị trí đề xuất thuộc diện tích đất do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển điện miền Trung đang sử dụng, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận có thời hạn đến năm 2054. Dự án nhà máy điện mặt trời trên mặt hồ Hoa Sơn tuy không liên quan đến đất sản xuất nhưng tỉnh yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của Bộ NN-PTNT về an toàn hồ chứa và Bộ Tài nguyên - Môi trường liên quan đến vấn đề thủ tục giao đất. Các dự án còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương và Sở NN-PTNT khảo sát lại, chọn vị trí phù hợp. “Chủ trương của Tỉnh ủy là chỉ được làm dự án điện mặt trời trên diện tích đất hoang hóa, không thể sản xuất. Tất cả các dự án không đáp ứng tiêu chí này đều bị loại, kể cả làm trên diện tích đất sản xuất không hiệu quả”, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo.