Biển Bãi Dài là bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Cấm hoạt động nhà hàng nổi không đủ điều kiện
(Baidaibeach) - Những lồng bè nuôi thủy sản đã được các chủ nhà hàng tận dụng "sửa sang" đưa vào hoạt động kinh doanh làm cho các cấp chính quyền không khỏi ngày đêm lo lắng, khi mà chưa có luật lệ rõ ràng. Mới đây, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Trần Sơn Hải đã ra thông báo nghiêm cấm bè, nhà hàng nổi hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân.
Nhà hàng bè nổi tại vịnh Cam Ranh. (TTO)
Còn theo ông Nguyễn Văn Dần - phó giám đốc sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần phải cải tạo, đóng mới nhà hàng theo quy định.
Từ sau sự cố vụ sập bè nổi Vĩnh Hy ở Nnh Thuận, Khánh Hòa đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động các nhà hàng bè nổi trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho thực khách, cũng như người dân.
Nguồn: www.baidaibeach.com

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Trò mạo hiểm mới - trải nghiệm mới tại Vinpearland
Thêm một trò chơi mới cho các bạn trải nghiệm. Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land vừa đưa ra chương trình thẻ siêu Vip, siêu tiết kiệm. Theo đó, với giá 2 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em (1m - dưới 1m4) hoặc người cao tuổi (trên 60 tuổi), khách hàng sẽ được vui chơi thoải mái tại Vinpearl Land Nha Trang trong vòng 1 năm, không giới hạn các trò chơi và số lần qua chơi, kể cả dịp lễ. Việc mua thẻ rất đơn giản, khách chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/Passport) và làm thủ tục vô cùng nhanh gọn nhẹ tại Phòng vé Ga cáp treo Vinpearlland!


Cũng trong dịp này, Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land vừa đưa vào trò chơi mạo hiểm mới với tên gọi “Chuyến Phiêu Lưu Trong Hầm Mỏ”. Đây là một trong những trò chơi kinh điển từng xuất hiện tại các khu vui chơi nổi tiếng trên thế giới và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. 

Chuyến Phiêu Lưu Trong Hầm Mỏ mở ra hành trình khám phá độc đáo trên đoạn đường ray lên đến 1.000m với cảm giác mạnh cực độ, đoàn tàu tốc hành đưa bạn đâm xuyên lòng núi, khám phá các hầm mỏ bí ẩn với những khúc cua ngoạn mục, sẽ mang tới cho khách những cảm giác vô cùng phấn khích.
Theo baoKhanhHoa

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Bãi biển Nha Trang sẽ đẹp hơn ?
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Theo đó, có nhiều hạng mục được bỏ để tăng không gian công cộng, giảm công trình xây dựng.
Giảm diện tích xây dựng
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 603 ngày 28-9-2015, sở đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quy hoạch và kiểm định xây dựng Khánh Hòa nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ phương án điều chỉnh quy hoạch. Ngày 5-2, Sở Xây dựng đã gửi hồ sơ lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và kiến trúc sư trong tỉnh. Sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý, ngày 8-3, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp thẩm định đồ án để gửi đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án sửa đổi trình UBND tỉnh xin ý kiến.
Phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng sẽ có nhiều thay đổi, hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn.
Phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng sẽ có nhiều thay đổi, hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn.
Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Xây dựng cần hoàn thiện lại đồ án quy hoạch theo hướng không nên gắn việc doanh nghiệp đầu tư ở dọc công viên bờ biển với việc kinh doanh, khai thác, mang lại lợi nhuận. Tỉnh không thiếu kinh phí để đầu tư các hạng mục phục vụ cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải có quan điểm phát triển rõ ràng.
Về nội dung điều chỉnh của đồ án, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm ở phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng, đoạn từ dự án Amiana đến Quân cảng Hải quân, với tổng diện tích khoảng 240ha. Nếu đồ án quy hoạch đã được phê duyệt chia làm 4 phân khu thì đồ án điều chỉnh chia làm 2 phân khu. Phân khu A kéo dài từ dự án Amiana tới phía bắc cầu Trần Phú với chiều dài khoảng 7,5km, diện tích 172ha. Đây là khu vực khuyến khích đầu tư cải tạo để phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp công viên phục vụ công cộng. Khu vực này sẽ có các dự án như: Khu đô thị Vĩnh Hòa, Khách sạn Peacock Marina Complex, Resort Amiana, Trung tâm nghiên cứu và sáng tạo Hòn Chồng, dự án Nha Trang Sao… Phân khu B kéo dài từ phía nam cầu Trần Phú đến Quân cảng Hải quân với chiều dài khoảng 6,5km, diện tích 67,9ha. Đây là khu vực công viên công cộng phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch. Vì vậy, hầu như khu vực này không xây dựng thêm công trình nào, mà giữ lại các công viên cây xanh vốn có và di dời một số nhà hàng như: Ana Mandara, Nhà khách 378…

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Tôi đề nghị duy trì và mở rộng đường đi bộ dạo biển dọc công viên, tạo thành một nét văn hóa không thành phố ven biển nào ở Việt Nam có được. Bên cạnh đó, cần bố trí một khu đất rộng để làm bãi đậu xe phục vụ nhu cầu của người dân và du khách trong tương lai.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, so với quy hoạch đã được phê duyệt, tổng diện tích xây dựng của đồ án điều chỉnh đã giảm từ 211.960m2 xuống còn 161.047m2, mật độ xây dựng giảm từ 14,29% xuống còn 10,13%. Cụ thể, khu vực từ dự án Amiana đến Hòn Một có diện tích xây dựng 124.210m2 (giảm 4,732m2), khu vực từ Hòn Một đến phía bắc cầu Trần Phú có diện tích xây dựng 16.600m2 (giảm 7.578m2), từ phía nam cầu Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh có diện tích xây dựng 848m2 (giảm hơn 31.000m2), từ đường Phan Chu Trinh đến Quân cảng Hải quân có diện tích xây dựng 19.387m2 (giảm 9.765m2).  
   
Bỏ cao ốc và tầng hầm
Theo ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng, đồ án điều chỉnh quy hoạch phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng có nhiều thay đổi so với quy hoạch cũ. Cụ thể, sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét không đưa tổ hợp công trình đa năng và khách sạn phía nam cầu Trần Phú vào đồ án quy hoạch được chỉnh sửa. Bởi lẽ, nếu công trình này được xây dựng ngay sau lưng Nhà khách 378, phía đối diện đã là tổ hợp căn hộ khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa cao đến 40 tầng, thì sẽ rất phản cảm. Diện tích khu vực Nhà khách 378 sau khi di dời sẽ cải tạo làm công viên công cộng, nối liền với Công viên Yersin tạo thành một công viên thống nhất, phục vụ cộng đồng.
Khu vực này trong đồ án điều chỉnh đã bỏ tổ hợp công trình đa năng và khách sạn.
Khu vực này trong đồ án điều chỉnh đã bỏ tổ hợp công trình đa năng và khách sạn.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND tỉnh không cho xây dựng các công trình ngầm dọc công viên đường Trần Phú vì sẽ ảnh hưởng đến hiện trạng cây xanh, cảnh quan bờ biển; trừ những công trình ngầm đã xây dựng thì giữ nguyên. Về cơ bản, công viên dọc biển từ phía nam cầu Trần Phú đến Quân cảng Hải quân sẽ không thay đổi; công viên và cây xanh sẽ được tôn tạo thêm, xây dựng thêm các công trình phục vụ nước sạch miễn phí, nhà vệ sinh công cộng… Về tổ chức giao thông cũng sẽ không thực hiện tuyến tàu điện ngầm và cầu vượt dọc đường Trần Phú như trong quy hoạch đã được phê duyệt.  Sở Xây dựng cũng kiến nghị điều chỉnh chiều cao Khách sạn Peacock Marina Complex (đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Hòa) từ 60 tầng xuống còn 40 tầng. Ngoài ra, việc cải tạo bãi tắm ở đối diện đường Mai Xuân Thưởng, các bến tàu trong dự án Khu đô thị Vĩnh Hòa cũng hủy bỏ do không khả thi… 
Cần mở rộng phạm vi nghiên cứu
Kiến trúc sư Phan Văn Đáng: Đồ án quy hoạch chỉnh sửa đã thành công ở việc giảm mật độ xây dựng, bỏ các hạng mục tầng ngầm, cao ốc… Tuy nhiên, đồ án ít quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: lưu lượng xe, điện chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước thải dọc công viên… Quan điểm của tôi là điểm nhấn không nhất thiết phải là nhà cao tầng. 
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Đà: Đồ án chỉnh sửa đã có nhiều thay đổi tích cực so với quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của đồ án còn hạn chế, chưa tính được lưu lượng xe hiện tại và dự tính phát triển trong tương lai để có quy hoạch bố trí bãi gửi xe phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần ưu tiên cây xanh. Dịch vụ nào không bố trí được ở nơi khác thì mới bố trí ở công viên, còn lại diện tích ưu tiên các tiện ích công cộng.
Báo khanhhoaonline
Tại cuộc họp mới đây, sau khi nghe các đơn vị trình bày, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đồ án mới chỉ quan tâm phần công viên ven biển, chưa thể hiện được sự kết nối khu phía đông với đường Trần Phú và khu phía tây, chưa kết nối được với Trung tâm Đô thị thương mại du lịch tại khu sân bay Nha Trang cũ. Ông Lê Đức Vinh phân tích: “Định hình phát triển phía đông bờ biển Nha Trang như thế nào thì đồ án điều chỉnh chưa nói được. Chúng ta phải xác định được mục tiêu phát triển để có quy hoạch tổ chức không gian tương ứng. Các dự án cũ có tồn tại ở vị trí cũ trong tương lai hay không, nếu tồn tại thì hướng phát triển như thế nào? Sắp tới, đường Nguyễn Thiện Thuật, đường Tô Hiến Thành, hẻm 86 Trần Phú… sẽ được đầu tư nối dài nhưng đồ án cũng chưa cập nhật. Tôi đề nghị đồ án quy hoạch cần quan tâm hơn đến các khu chức năng, dịch vụ công cộng ở công viên, thể thao bãi biển... Tôi thấy đồ án ít đề cập và còn quá ít tiện ích công cộng để trở thành một công viên hiện đại”.

Ông Lê Đức Vinh chỉ đạo Sở Xây dựng mở rộng phạm vi nghiên cứu, đề cập đầy đủ hơn, gắn với các công trình khách sạn ở phía tây đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng. Vấn đề các khách sạn đang cát cứ bãi biển để bày dù cũng không được đồ án nhắc tới, định hướng trong tương lai làm thế nào để bãi biển đẹp hơn, thông thoáng hơn, phục vụ cộng đồng được nhiều hơn. 

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Người đã từng chống dự án thép để bảo vệ môi trường tại Đầm Môn - Nha Trang
Một người có tâm, có tầm nhìn và có cả tinh thần THÉP, một mình chống lại những quan điểm đối lập, dứt khoát không vì số tiền đầu tư "khủng".
Những ngày qua, nhiều người gọi điện thoại bày tỏ xung quanh câu chuyện môi trường biển bị ô nhiễm với hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ với ông Phạm Văn Chi (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Vịnh đẹp như thế, làm thép thì còn gì môi trường

Nhiều người nhớ đến ông Chi lúc này bởi ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây chín năm với các nguy cơ môi trường có thể dẫn đến từ nó. Lúc đó, ông Chi đã rời cương vị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc), với mức đầu tư dự kiến cả chục tỉ USD.
Giá trị việc làm của ông Chi ngày càng hiện hữu, nhất là khi người ta liên tưởng đến hiện tượng cá biển chết hàng loạt đang đặt ra nghi vấn có liên quan đến hoạt động nhà máy thép của Công ty Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Theo hồ sơ, giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.
“Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành trung ương, trừ Bộ TN&MT đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1-2008, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án. Nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, tôi kiên quyết đấu tranh, đề nghị không chấp nhận dự án này. Tôi nói Đầm Môn đẹp như thế mà cho san lấp, làm nhà máy thép thì còn gì môi trường. Thế nhưng trong các cuộc họp của tỉnh, tôi nói hầu như không ai nghe. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở; riêng tôi dứt khoát không đi” - ông Chi nhớ lại.
Một góc vịnh Vân Phong, nơi Tập đoàn Posco đề xuất xây dựng nhà máy thép. Ảnh: TL
Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ đi thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án trên.
“Tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn. Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép. Với công suất 15 triệu tấn thép mỗi năm của dự án phải dùng bao nhiêu tấn quặng, bao nhiêu tấn than, tiêu thụ bao nhiêu ôxy, rồi thải ra bao nhiêu tấn xỉ than cùng những độc tố nào… Tôi tính toán và biết rằng mỗi năm nhà máy này thải ra hàng triệu tấn chất thải công nghiệp, phần lớn là độc hại. Với lượng chất thải như vậy, không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ sẽ bị tàn phá” - ông Chi nói.
Của để dành cho con cháu mai sau
Bản kiến nghị với những phân tích thuyết phục của ông Chi được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương.
Sau khi nhận bản kiến nghị này, trung ương đã yêu cầu tổ chức hội thảo để xem xét lại dự án. Trả lời báo chí sau đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ rõ: “Cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn trước những công trình thế kỷ như ở Vân Phong. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác. Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau”.
Kiến nghị của ông Chi cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ TN&MT, nhất là khi Tập đoàn Posco khi ấy chưa đưa ra được giải pháp xử lý môi trường triệt để.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đây là dự án liên quan đến vấn đề môi trường nên phải cực kỳ quan tâm, tỉnh Khánh Hòa phải đảm bảo môi trường sạch để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ưu tiên số một cho việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không gì đánh đổi được.
Một tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong. “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận” - ông Chi chia sẻ.
Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt
Việc không cho đầu tư dự án nhà máy thép của Posco là hợp lý vì dự án không đánh giá, đảm bảo được môi trường chiến lược vịnh Vân Phong. Điều đó cho thấy chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Đối với Khánh Hòa, việc bảo vệ môi trường ven biển là quan trọng nhất nhằm đảm bảo phát triển bền vững du lịch, dịch vụ. Do đó, các dự án đều được kiểm soát, giám sát rất chặt về môi trường.
Ông VÕ TẤN THÁIGiám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa

Báo pháp luật TPHCM online.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Biển Bãi Dài (Bai Dai - Long beach) - Cam Lâm
 Biển Bãi Dài là điểm du lịch đang HOT nhất hiện nay với vẻ đẹp tự nhiên, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài mịn trắng tinh càng làm cho vẻ đẹp của Bãi Dài thêm quyến rũ. 
Bãi Dài nằm sát đại lộ Nguyễn Tất Thành, vị trí ngay trung tâm Huyện Cam Lâm, Tỉnh Khánh Hòa, cách sân bay quốc tế Cam Ranh chỉ 10 km, đường sá rộng lớn, giao thông thuận tiện, và có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ với giá từ bình dân đến cao cấp cho du khách lựa chọn . Đó là những mặt lợi thế mà Bãi Dài đang chiếm ưu thế và được lòng nhiều du khách đã đến nơi này. 
Chúng ta cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mà trời đã ban cho vùng đất nơi này: