Ông Nguyễn Văn Thông (xã Cam Hòa) cho hay: “Chưa có năm nào thượng nguồn đầm Thủy Triều lại xuất hiện nhiều vẹm đất đến vậy. Từ cuối năm trước đến nay, tranh thủ khi chưa nuôi tôm, vợ chồng tôi lại ra đầm để bắt loại thủy sản thân mềm, 2 mảnh vỏ này để bán cho thương lái. Đây không phải là nghề chính, nhưng mang lại thu nhập khá cao cho gia đình, cứ mỗi con nước, nếu siêng năng vợ chồng tôi cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng”.
Những năm gần đây, khi nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh, nhiều thương lái tìm mua loài vẹm này với giá khá cao để bán lại cho các hộ nuôi tôm. Hiện nay, vẹm đất được thu mua với giá 6.000 đồng/kg, mỗi con nước, vợ chồng tôi khai thác được hơn 250kg, kiếm được chừng 1,5 triệu đồng”.
Tuy nhiên, theo ông Thành, để bắt được chừng ấy vẹm đất rất vất vả. Mùa này, thủy triều rút muộn, từ chập tối vợ chồng ông đã chạy ghe ra giữa đầm để lặn bắt. Ông phải dầm mình dưới nước để bắt vẹm, trên ghe, vợ ông tranh thủ tách, sàng rồi đóng thành từng bao. Cứ thế, đến khoảng nửa đêm thì quay ghe vào bờ, chở đến điểm thu mua để bán.
Không chỉ những người lặn bắt vẹm đất, những người lớn tuổi hơn chọn cách đi bắt vẹm đất, đào phi, đào quy… ở ven đầm cũng có thu nhập cao. Bà Nguyễn Thị Hội (xã Cam Hòa) chia sẻ: “Tôi lội ven đầm để bắt vẹm đất, mỗi con nước kiếm được 50 - 60kg, tính ra cũng được vài trăm nghìn đồng.
Những vợ chồng trẻ hơn thì đi đào phi, đào quy (cũng dùng làm thức ăn cho tôm hùm), có giá bán cao hơn, lên đến 30.000 đồng/kg nên thu nhập cũng cao hơn. Tính ra, khu vực bãi triều và mặt đầm Thủy Triều đoạn các xã Cam Hòa, Cam Hải Tây có hàng trăm người tranh thủ lúc nông nhàn đi đào quy, lặn vẹm về bán”.
Hiện nay, ở những khu vực ven biển của xã Cam Hòa, Cam Hải Tây có nhiều điểm thu mua các loại thủy sản làm thức ăn cho tôm hùm, trung bình mỗi xã có đến 5 - 6 điểm, cao điểm mỗi điểm có thể thu đến 3 - 4 tấn các loại thủy sản 2 mảnh vỏ này.
“Hầu hết vẹm đất, quy, phi chúng tôi thu mua đều được đưa vào TP. Cam Ranh bán cho các hộ nuôi lồng bè. Đối với con quy, do làm thức ăn cho tôm hùm bông nên có giá cao, đến 30.000 đồng/kg, còn vẹm đất làm thức ăn cho tôm hùm xanh nên giá thấp hơn. Hiện nay, nhu cầu thức ăn tươi cho tôm hùm rất lớn, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Không riêng Cam Hòa, Cam Hải Tây mà các xã khác như: Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… cũng có nhiều người đi khai thác các loại thủy sản này làm thức ăn cho tôm hùm”, bà Thanh - người thu mua cho hay.
Các nguồn lợi thủy sản trên đầm Thủy Triều đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân sinh sống ven đầm nên thu hút nhiều người tranh thủ lúc nông nhàn đi khai thác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân cần khai thác hợp lý, song song với bảo vệ để nguồn lợi được bền vững.
Ngoài ra, các địa phương cũng lo lắng việc đào xới đáy đầm để khai thác các loại thức ăn cho tôm hùm sẽ khiến nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản ao đìa của các hộ bị ảnh hưởng. Bởi đây chính là vấn đề tạo nên xung đột lợi ích giữa người đi khai thác và các hộ nuôi đìa ở một số địa phương ở Cam Lâm.