Biển Bãi Dài là bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Vẻ đẹp tự nhiên hoang dã vùng đất Khánh Sơn

(Baidaibeach)Vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã, cùng với nhiều tiểu thuyết về lịch sử của các thác nước, suối,...đã tạo nên sự cuốn hút đặc biệt cho mảnh đất Khánh Sơn. Song, trong nhiều năm nay du lịch nơi đây vẫn chưa được khai thác tối đa.

Để đến được nơi đây, theo hước từ Nha Trang vào Cam Ranh, theo tỉnh lộ 9 khoảng 40km, các bạn sẽ cảm nhận được vẻ tự nhiên độc đáo nơi đây với những con dốc quanh co, khúc khuỷu. Khi vừa qua khỏi đèo Ba Cụm các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vùng núi non trùng điệp. Thiên nhiên đã ưu đãi vùng đất Khánh Sơn nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều dòng thác, suối, hang, gộp tự nhiên. Thác Tà Gụ là danh thắng tiêu biểu.
Độ cao của thác khoảng 30-40 mét, nằm trong dãy Po morq Cura với dòng nước luôn chảy mạnh quanh năm và vẫn tự nhiên hoang sơ như thuở nào. Nơi đây còn có dòng sông Tô Hạp được ví như nguồn sữa mẹ của Khánh Sơn, bởi nó chảy qua tất cả các xã, thị trấn của huyện, tưới cho hầu hết đất đai nơi này.
 
Khánh Sơn còn là vùng đất của nhiều truyền thuyết lịch sử, văn hóa. Hiện nay, 71% dân số của huyện là đồng bào dân tộc Raglai. Trong quá trình sinh sống, người Raglai đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đó là trường ca, sử thi đồ sộ, dân ca, truyện thần thoại, truyện cổ tích mang giá trị lịch sử, nghệ thuật hát đối đáp... Người Raglai có nhiều loại nhạc cụ đặc sắc như: cồng chiêng, đàn bầu, kèn môi, đàn Chapi, đặc biệt là đàn đá Khánh Sơn - loại nhạc cụ cổ tiêu biểu của dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến. Ngoài ra, còn có nhiều hình thức lễ hội phong phú như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), nghi lễ vòng đời… Những ai đã một lần nghe tiếng mã la trong rừng vắng ở Khánh Sơn sẽ thật khó quên, bởi thanh âm mã la đem lại cảm xúc rất lạ, nghe trầm lắng, mơ màng mà kiêu hãnh như sử thi Akhà Juca của người Raglai. Nơi đây còn là vùng đất anh hùng với những căn cứ địa cách mạng vững chắc trong 2 cuộc kháng chiến như các cứ điểm: Xóm Cỏ, Suối Sóc, Cha pú, Gộp Cu. (baokhanhhoa)

Khánh sơn còn là vùng đặc sản với nhiều cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chuối, mít nghệ, bưởi da xanh,...món ăn độc lạ như: cơm lam, canh bồi, rượu cần,... và nhiều sản vật với nghề thủ công truyến thống: mô hình nhà sàn, nhạc cụ truyền thống, đan lát, làm gùi, nỏ,...
Hiện nay, phần lớn du khách đến Khánh Sơn để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và thưởng thức những đặc sản của vùng đất này.

Tuy nhiên, Khánh Sơn vẫn còn nhiều nét độc đáo mà du khách chưa được khám phá. Ông Đinh Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Khánh Sơn là vùng đất có điều kiện tự nhiên độc đáo và tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác có hệ thống. Hiện nay, huyện đang xây dựng Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Để thực hiện chương trình này, huyện sẽ huy động các nguồn vốn để từng bước hình thành các điểm đến và tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu lịch sử độc đáo, văn hóa dân gian, đời sống, tập quán sản xuất của đồng bào Raglai, tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức các đặc sản nuôi trồng nổi tiếng của địa phương. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp để thực hiện định hướng này. Trước mắt, lãnh đạo huyện giao Phòng Văn hóa Thông tin và UBND xã Sơn Hiệp hỗ trợ và tư vấn cho du khánh tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và thưởng thức những đặc sản của địa phương”.

Song song với việc phát triển, Khánh Sơn cũng cần có định hướng giữ gìn vệ sinh môi trường, đừng để như những nơi khác, "nước đến chân rồi mới nhảy". Môi trường - thiên nhiên là người mẹ vĩ đại của chúng ta.

Previous Post
Next Post