Đúng là một sự việc tưởng chừng đơn giản, mà rất qua trọng. Trước kia có nhiều hành khách không chịu mang vì nóng nực và chủ quan, Và cũng một phần THIẾU quy định rõ ràng khi di chuyển phương tiện đường thủy. Giờ thì thấy nơi khác gặp sự cố\, rồi mới bắt đầu lo sợ, cảnh tỉnh.
Mong sẽ là thói quen của người dân và quy đinh bắt buộc của những chủ phương tiện tàu thuyền.
Sự cố lật tàu tại Đà Nẵng vừa qua gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa. Tại Khánh Hòa, các cơ quan chức năng đã tăng cường một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.
Tàu du lịch ở cảng Cầu Đá. |
Du khách thận trọng hơn
Sáng 9-6, có mặt tại Bến tàu du lịch Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), chúng tôi thấy hoạt động du lịch đường thủy vẫn diễn ra tấp nập. Số lượng khách đoàn tham gia các tour biển đảo rất đông, gồm cả khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khác hẳn với thường lệ, trước khi tham gia tour, du khách thường lựa chọn rất kỹ phương tiện mà mình sử dụng. Bà Trần Ánh Linh (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Thực sự sau khi xảy ra vụ lật tàu ở Đà Nẵng, tôi cảm thấy có chút lo lắng khi tham ra tour biển đảo. Trước đây, mỗi lần đến Nha Trang tôi đều đi chơi ở các đảo mà không hề để ý đến vấn đề an toàn. Thậm chí khi được phát áo phao nhiều người còn không mặc, chỉ để bên cạnh đối phó là chính. Nhưng những gì vừa xảy ra khiến tôi phải chú ý nhiều đến chất lượng của phương tiện vận chuyển cũng như điều kiện an toàn cho bản thân. Tàu nào cảm thấy không yên tâm dứt khoát không đi”.
Theo quan sát của chúng tôi, các tàu có sức chứa khoảng 40 người là phương tiện được du khách lựa chọn nhiều nhất. Các tàu nhỏ, sức chứa dưới 20 chỗ ngồi, rất ít người đi. Anh Phùng Gia Minh (hướng dẫn viên Công ty Du lịch T&H) giải thích: “Sở dĩ khách thường chọn tàu lớn để đi chơi là bởi họ vẫn còn bị ám ảnh sự cố lật tàu vừa qua ở sông Hàn. Trong các đoàn mà tôi dẫn, hầu như đoàn nào cũng chỉ chấp nhận tham gia tour khi đi trên các tàu lớn. Họ sợ đi tàu nhỏ, ra biển sóng lớn sẽ không đảm bảo an toàn. Trong mấy ngày vừa qua, đã có nhiều đoàn hủy tour vì không có tàu lớn, mặc dù đoàn của họ chỉ khoảng hơn 20 người”. Bên cạnh đó, khác với tình trạng thường thấy, trước khi tàu rời bến, du khách thường chủ động yêu cầu chủ phương tiện cung cấp ao phao. Khi có áo phao, các thành viên trên tàu đều mặc và cài khóa an toàn cẩn thận, không cởi ra trong suốt hành trình. Một số tàu khi đưa áo phao cũ ra đã bị du khách từ chối và họ yêu cầu phải cung cấp áo mới để đảm bảo an toàn.
Khảo sát một số cảng khác trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy ý thức về an toàn khi tham gia giao thông đường thủy của du khách cũng rất cao. Đồng thời, công tác quản lý các phương tiện được giám sát khá nghiêm ngặt. Các tàu trước khi xuất bến đều có sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Tại bến tàu ở thị trấn Vạn Giã, dù hoạt động của tàu du lịch chỉ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, song vấn đề đảm bảo an toàn rất được chú trọng. Các tàu, ca nô đều tuân thủ số lượng người cho phép trên phương tiện. Trước khi rời bến và trong suốt hành trình, du khách được yêu cầu mặc áo phao nghiêm túc. Ông Nguyễn Vĩnh Huy (thuyền trưởng tàu du lịch LĐ) cho hay: “Lâu nay, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc vận chuyển khách của các tàu du lịch, nhưng sau sự cố lật tàu ở Đà Nẵng, việc giám sát càng nghiêm ngặt hơn. Tất cả những tàu không tuân thủ về điều kiện an toàn cho du khách đều bị nhắc nhở hoặc xử lý. Bản thân khách du lịch họ cũng yêu cầu rất cao. Tàu nào chở nhiều khách là họ không chịu đi. Ca nô của chúng tôi được phép chở 20 người nhưng chỉ chở khoảng 15 khách”.
Kiểm tra chặt chẽ tại bến tàu
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều bến thủy nội địa, số lượng phương tiện tham gia giao thông đường thủy khá lớn, đa dạng với khoảng 700 phương tiện là tàu du lịch, tàu chở khách; riêng Bến tàu du lịch Cầu Đá có hơn 300 phương tiện.
Hành khách chấp hành tốt việc mặc áo phao trước khi tàu rời bến. |
Ông Trần Đức Thi - Phó Giám đốc Cảng vụ Nha Trang cho biết, hiện đang là cao điểm mùa hè, lượng người đi tàu du lịch biển, đảo nhiều. Mỗi ngày, cảng vụ cấp giấy xuất bến cho từ 150 đến 300 chuyến. Có thời điểm, bến tàu tập trung hơn 3.000 người. Để đảm bảo công tác an toàn chạy tàu, an toàn cho du khách, cảng vụ bố trí nhân viên xuống từng tàu khảo sát, kiểm tra tại thời điểm tàu chuẩn bị lưu thông. Theo đó, phương tiện phải đảm bảo an toàn, có đủ phương tiện cứu hộ, đặc biệt là bè nổi; trọng tải cho phép chở; bằng cấp của lái tàu, thuyền viên... Đồng thời, yêu cầu chủ tàu nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi đi trên biển để đảm bảo an toàn. “Các tàu trước khi xuất bến đều đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tham gia giao thông. Chúng tôi nhất quyết không cho tàu xuất bến khi không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật”, ông Thi khẳng định.
Trong khi đó, Thượng tá Dương Hồng Thái - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi không chỉ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và người dân. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào, trật tự ATGT đường thủy ngày càng được đảm bảo”.
Quản lý chặt hoạt động chở khách du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), từ tháng 4-2015, Bộ GTVT có quyết định giao thí điểm cho Cảng vụ Nha Trang quản lý hoạt động thủy nội địa trong vùng nước cảng biển. Tuy nhiên, công tác đăng ký vẫn do sở thực hiện.
Ông Võ Duy Quý - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam): Trong hơn 300 tàu chở khách tại Bến tàu du lịch Cầu Đá thì có hơn 100 tàu vỏ gỗ. Theo quy định mới của Chính phủ, các tàu này sẽ hết hạn vào năm 2022. Ngay tại thời điểm đăng kiểm, các tàu đều đảm bảo kỹ thuật mới được cấp phép chứng nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số phương tiện bỏ đăng kiểm 3, 4 năm, hoặc chủ tàu bán cho người khác, gây khó khăn trong công tác đăng kiểm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ tàu không chịu đăng kiểm và lấy lý do không tham gia giao thông. Các trường hợp này, chúng tôi không thể bắt ép chủ phương tiện đi đăng kiểm được. 10 năm trở lại đây, tại tỉnh Khánh Hòa không có tàu cá hoán cải thành tàu chở khách, tàu du lịch. |
Nhằm nâng cao hoạt động quản lý phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch, từ tháng 3-2016, Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-5-2015, tuy nhiên do còn vướng mắc về thủ tục hành chính nên chưa được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, sở đã thành lập đoàn kiểm tra hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đường thủy nội địa; trong đó có kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh để cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Qua kiểm tra, tất cả các phương tiện đều đảm bảo chở khách, có đầy đủ điều kiện an toàn theo đăng kiểm. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ theo Nghị định 110 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2015 như: phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; phương tiện chở khách du lịch cần phải được cấp biển hiệu riêng… Theo lộ trình tới ngày 31-12-2016 mới thực hiện, vì vậy đoàn đã nhắc nhở và yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện.
Hiện nay, tại Khánh Hòa còn có loại hình tour du lịch 4 đảo và tour du lịch biển đêm của các tàu của Hoàng Đế Du Thuyền, Nhật Minh… với khoảng 10 tàu thuộc đối tượng cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Hiện nay, Sở GTVT và Sở Du lịch đang phối hợp đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thiện các bước để đủ điều kiện cấp biển hiệu. Sau thời gian quy định, các doanh nghiệp nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị ngừng hoạt động. Riêng các phương tiện chỉ vận chuyển khách du lịch từ bờ ra đảo, Sở GTVT chỉ cấp phép vận chuyển khách thủy nội địa tuyến cố định, không bắt buộc đăng ký phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, các phương tiện này cũng phải đáp ứng điều kiện vận chuyển khách.
Ông Dần cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ lật tàu ở Đà Nẵng, công tác kiểm tra, giám sát vấn đề giao thông đường thủy trên địa bàn Khánh Hòa được tăng cường và siết chặt hơn nữa. Chiều 10-6, sở mời tất cả các đơn vị hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh để quán triệt, triển khai tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động và các phương tiện trong lĩnh vực này.
Báo Khánh Hòa online