Một người có tâm, có tầm nhìn và có cả tinh thần THÉP, một mình chống lại những quan điểm đối lập, dứt khoát không vì số tiền đầu tư "khủng".
Những ngày qua, nhiều người gọi điện thoại bày tỏ xung quanh câu chuyện môi trường biển bị ô nhiễm với hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ với ông Phạm Văn Chi (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Vịnh đẹp như thế, làm thép thì còn gì môi trường
Nhiều người nhớ đến ông Chi lúc này bởi ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây chín năm với các nguy cơ môi trường có thể dẫn đến từ nó. Lúc đó, ông Chi đã rời cương vị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc), với mức đầu tư dự kiến cả chục tỉ USD.
Giá trị việc làm của ông Chi ngày càng hiện hữu, nhất là khi người ta liên tưởng đến hiện tượng cá biển chết hàng loạt đang đặt ra nghi vấn có liên quan đến hoạt động nhà máy thép của Công ty Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Theo hồ sơ, giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.
“Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành trung ương, trừ Bộ TN&MT đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1-2008, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án. Nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, tôi kiên quyết đấu tranh, đề nghị không chấp nhận dự án này. Tôi nói Đầm Môn đẹp như thế mà cho san lấp, làm nhà máy thép thì còn gì môi trường. Thế nhưng trong các cuộc họp của tỉnh, tôi nói hầu như không ai nghe. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở; riêng tôi dứt khoát không đi” - ông Chi nhớ lại.
Một góc vịnh Vân Phong, nơi Tập đoàn Posco đề xuất xây dựng nhà máy thép. Ảnh: TL
Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ đi thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án trên.
“Tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn. Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép. Với công suất 15 triệu tấn thép mỗi năm của dự án phải dùng bao nhiêu tấn quặng, bao nhiêu tấn than, tiêu thụ bao nhiêu ôxy, rồi thải ra bao nhiêu tấn xỉ than cùng những độc tố nào… Tôi tính toán và biết rằng mỗi năm nhà máy này thải ra hàng triệu tấn chất thải công nghiệp, phần lớn là độc hại. Với lượng chất thải như vậy, không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ sẽ bị tàn phá” - ông Chi nói.
Của để dành cho con cháu mai sau
Bản kiến nghị với những phân tích thuyết phục của ông Chi được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương.
Sau khi nhận bản kiến nghị này, trung ương đã yêu cầu tổ chức hội thảo để xem xét lại dự án. Trả lời báo chí sau đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ rõ: “Cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn trước những công trình thế kỷ như ở Vân Phong. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác. Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau”.
Kiến nghị của ông Chi cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ TN&MT, nhất là khi Tập đoàn Posco khi ấy chưa đưa ra được giải pháp xử lý môi trường triệt để.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đây là dự án liên quan đến vấn đề môi trường nên phải cực kỳ quan tâm, tỉnh Khánh Hòa phải đảm bảo môi trường sạch để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ưu tiên số một cho việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không gì đánh đổi được.
Một tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong. “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận” - ông Chi chia sẻ.
Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt
Việc không cho đầu tư dự án nhà máy thép của Posco là hợp lý vì dự án không đánh giá, đảm bảo được môi trường chiến lược vịnh Vân Phong. Điều đó cho thấy chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Đối với Khánh Hòa, việc bảo vệ môi trường ven biển là quan trọng nhất nhằm đảm bảo phát triển bền vững du lịch, dịch vụ. Do đó, các dự án đều được kiểm soát, giám sát rất chặt về môi trường.
Ông VÕ TẤN THÁI, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa
|
Báo pháp luật TPHCM online.