Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, ký ức một thời lại như thước phim quay chậm trong tâm thức những người lính giao liên, văn công, phát thanh viên năm xưa. Họ - những người lính trên mặt trận văn hóa đã góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của cuộc chiến đấu giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa ngày ấy.
Kỷ niệm ở chiến khu
Vào thời khắc này, ông Nguyễn Việt Cường, cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh lại nhớ về những ngày tháng sống ở chiến khu Hòn Dù với bao kỷ niệm trong sáng, hồn nhiên mà vẫn đậm chất lính. Năm 1973, nhiều cán bộ trong chiến khu biết đến chú bé Nguyễn Việt Cường nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt động trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa. Lúc ấy, ông mới hơn 13 tuổi, là người trẻ nhất trong chiến khu. Ông đã cùng với cán bộ chiến khu tăng gia sản xuất; làm công tác liên lạc, đưa thư cho các ban trong Tỉnh ủy.
Ông nhớ lại: “Do còn nhỏ, sức khỏe yếu nên khi mới lên chiến khu tôi thường xuyên bị sốt rét. Những cơn sốt rét rừng làm tôi mê man nhiều ngày liền. Nhưng khi hết bệnh, tôi lại được tổ chức giao nhiệm vụ đưa thư cho các ban trong chiến khu”. Ông nhớ mãi một lần đi công tác, đưa thư từ chiến khu Hòn Dù qua Hòn Mưa mất 2 ngày 1 đêm. Một mình ông lặn lội trong rừng sâu, vượt núi, vượt suối, đối mặt với nhiều nguy hiểm; đêm đến sợ thú dữ, ông lại vào nhà người đồng bào dân tộc thiểu số để xin ngủ nhờ. Với bản lĩnh cứng cỏi, chú bé Cường mới hơn 13 tuổi ấy đã không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao.
Đoàn văn công tại chiến khu Hòn Dù |
Năm 1974, ông được phân sang Đoàn văn công (thuộc Tỉnh ủy) và cũng là người trẻ nhất đoàn lúc đó. Ông cùng Đoàn văn công đã có nhiều buổi diễn phục vụ bộ đội, đồng bào dân tộc ở gần chiến khu… Với tinh thần ở đâu có bộ đội ở đó có lời ca, tiếng hát, những nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn văn công năm xưa đã biểu diễn hết mình phục vụ bộ đội, nhân dân. Đó cũng chính là món ăn tinh thần giúp những người chiến sĩ quên đi khó khăn, vất vả để tiếp tục sống và chiến đấu. Họ còn đem lời ca, tiếng hát khơi dậy lòng yêu nước, yêu cách mạng trong quần chúng nhân dân. Để trau dồi thêm nghiệp vụ, năm 1975, ông được cấp trên cử ra Đà Nẵng học nhạc. Từ chiến khu, ông phải đi bộ ròng rã 3 tháng mới ra đến Đà Nẵng với quyết tâm học để nâng cao trình độ và trở về phục vụ đồng chí, đồng bào. Sau giải phóng, ông tiếp tục hoạt động trong ngành văn hóa cho đến nay. Đánh giá về hoạt động của Đoàn văn công nói chung và cá nhân ông Nguyễn Việt Cường nói riêng, ông Bùi Hồng Thái - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Thời gian hoạt động tại chiến khu, Đoàn văn công đã biểu diễn phục vụ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội, cán bộ, đồng bào. Trong đoàn văn công có đồng chí Nguyễn Việt Cường, tuy còn nhỏ tuổi nhưng hoạt động rất nhiệt tình, hoạt bát, được mọi người quý mến”.
Ông Nguyễn Việt Cường tại chiến khu Hòn Dù khi mới 13 tuổi. |
Nữ phát thanh viên đầu tiên
Đã hơn 40 năm, nhưng bà Cao Hương (cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa đã về hưu) vẫn không thể nào quên được không khí của những ngày Nha Trang mới giải phóng. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang, bà kể về những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975 bằng chất giọng truyền cảm, ấm áp. “Ngày 2-4, ở Nha Trang tình hình vô cùng hỗn loạn, quân lính Sài Gòn trên đường rút chạy nổ súng bừa bãi, một số lợi dụng tình hình cướp bóc, phá phách. Tôi cùng anh em thanh niên cơ sở nội thành ngồi trên xe Jeep chạy khắp thị xã Nha Trang phát loa kêu gọi nhân dân bình tĩnh, giữ trật tự an ninh; kêu gọi binh lính quân đội Sài Gòn trình diện và giao nộp vũ khí cho chính quyền quân quản”. Khi được hỏi, trong tình hình hỗn loạn như vậy, bà không sợ bị tên bay đạn lạc, bà cười bảo: “Sợ chứ, nhưng niềm vui được giải phóng, được tiếp quản, được đón bộ đội về đã át hết nỗi sợ hãi trong tôi”.
Bà Cao Hương, nữ phát thanh viên của Khánh Hòa sau giải phóng |
Vốn là giáo viên dạy học ở Cam Ranh, từ năm 1970, bà được đồng chí Lê Quý, một cơ sở cách mạng móc nối tham gia phong trào dưới sự chỉ đạo và giao nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Văn Tự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Hồi đó, cô giáo Cao Hương thường giấu thư từ, công văn, tài liệu của cấp trên trong vở học sinh, sách giáo khoa để giao cho cán bộ cơ sở ở Cam Ranh. Suốt những năm đó, bà còn tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Nha Trang, phụ trách phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh công khai đòi thi hành Hiệp định Paris. Ngay sau khi Nha Trang giải phóng và tiếp nhận Đài Phát thanh Khánh Hòa, cấp trên đã điều bà sang làm phát thanh viên, trở thành nữ phát thanh viên đầu tiên của Nha Trang sau giải phóng. Và chính bà cũng là người đọc bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh Khánh Hòa, phát sóng vào lúc 5 giờ sáng 3-4-1975. “Tôi nhớ bản tin hôm đó dài khoảng 3 phút. Khi tôi đến đài, một đồng chí trong Ủy ban Quân quản đưa cho tôi bản thông báo của Ủy ban Quân quản Khánh Hòa. Nội dung là thông báo Nha Trang - Khánh Hòa đã được giải phóng hoàn toàn, kêu gọi sĩ quan, binh sĩ chế độ cũ trình diện chính quyền cách mạng, giao nộp vũ khí; nhân dân giữ trật tự, an ninh. Lần đầu tiên đọc trực tiếp trên đài phát thanh, giọng tôi hơi run. Được bạn bè, đồng nghiệp góp ý, bản đọc sau của tôi thực hiện khá tốt và được thu âm, phát đi phát lại nhiều lần sau đó”, bà Hương nhớ lại.
Trụ sở Đài phát thanh cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Truyền hình cáp Nha Trang) |
Hòa chung niềm vui lớn của đất nước, đám cưới giản dị của bà và chồng, cũng là cán bộ nội thành được Hội Liên hiệp Thanh niên đứng ra tổ chức sau ngày giải phóng. Một đám cưới giản dị, nhanh gọn vì chồng bà phải nhận lệnh chuyển công tác sang địa phương khác nhưng đã ghi dấu kỷ niệm không quên đối với bà. Sau đó, bà vừa làm công tác phát thanh viên của đài, vừa tham gia hoạt động trong Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Nha Trang. Với giọng đọc truyền cảm, ấm áp, xử lý kỹ thuật tốt, trong hơn 20 năm làm phát thanh viên, bà đã được nhiều thính giả cảm mến. Nhiều thính giả của chương trình đọc truyện đêm khuya vẫn không thể nào quên được giọng đọc diễn cảm của bà.
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Những người như ông Nguyễn Việt Cường, bà Cao Hương chính là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đã góp phần cổ vũ tinh thần cho quân và dân Khánh Hòa làm nên chiến thắng ngày 2-4 lịch sử.
MAI HOÀNG - Báo Khánh Hòa