Đề án thành lập Trường ĐH Khánh Hòa đến nay chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng dự án xây trường thì tỉnh đã giao cho nhà đầu tư khởi công hơn ba tháng trước.
Bản vẽ mô hình Trường ĐH Khánh Hòa công bố bên hàng rào dự án - Ảnh: P.S.N. |
Ông Lê Tuấn Tứ - giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, phó Ban chỉ đạo thành lập Trường ĐH Khánh Hòa - cho biết đến nay các bộ Kế hoạch -đầu tư, Tài chính, Nội vụ đã có văn bản trả lời về việc xin ý kiến của Bộ GD-ĐT và đều đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ đề án xin thành lập ĐH Khánh Hòa.
Và ngày 25-4-2015, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận chỉ đạo: “Tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu kỹ mô hình trường ĐH của tỉnh, hoặc phân hiệu của một trường ĐH có uy tín phù hợp với đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất hiện có, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.
Từ “ĐH đa cấp, đa ngành” của tỉnh...
Ở Khánh Hòa từ lâu đã có ĐH Nha Trang là ĐH đa ngành. Ngoài ra còn có ĐH Tôn Đức Thắng và nhiều trường ĐH khác cũng mở phân hiệu, cơ sở đào tạo tại tỉnh này. Thế nhưng, cách đây bốn năm Khánh Hòa có chủ trương xây dựng thêm ĐH của tỉnh và đã lập ban chỉ đạo thành lập Trường ĐH Khánh Hòa vào ngày 12-5-2011. Ban chỉ đạo này “có nhiệm vụ chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì việc xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Khánh Hòa đa cấp, đa ngành”.
Gần ba năm sau, tháng 4-2014, theo đề nghị của tỉnh, Bộ GD-ĐT có tờ trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Khánh Hòa.
Ngày 9-5-2014, Văn phòng Chính phủ thông báo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến: “Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cần hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường ĐH, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xem xét kỹ nhu cầu nhân lực của tỉnh Khánh Hòa và khu vực đối với những chuyên ngành mà trường dự kiến mở đào tạo”.
Còn ĐH Khánh Hòa vốn “không có tên” trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006-2007 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7-2007. Theo quy hoạch này, tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gắn với vùng duyên hải Nam Trung bộ) chỉ “thành lập mới thêm một số trường ĐH, CĐ, trong đó ưu tiên thành lập ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa của các tỉnh miền Trung”.
Tháng 6-2013 Thủ tướng có quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường ĐH vừa nêu và đã quy định trong giai đoạn 2011-2015 “dừng cấp phép dự án thành lập trường mới” để tổ chức, sắp xếp lại các trường đã thành lập...
Tuy vậy, tháng 9-2014 Bộ GD-ĐT tiếp tục có đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Khánh Hòa. Ngày 18-9-2014 Thủ tướng Chính phủ có văn bản “đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Khánh Hòa”, trên cơ sở sáp nhập hai trường CĐ Sư phạm Nha Trang và CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và đề án đã dự kiến, năm học 2015-2016 ĐH Khánh Hòa sẽ tuyển 300 sinh viên hệ ĐH, đào tạo theo năm chuyên ngành. Thế nhưng “theo quy định, khi nào thành lập được trường và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động đào tạo thì ĐH Khánh Hòa mới được tiến hành tuyển sinh” - ông Tứ nói.
... Đến “lộ trình riêng”
Dự án xây dựng ĐH Khánh Hòa theo một dự toán có tổng vốn đầu tư tới hơn 1.018 tỉ đồng. Tỉnh đã giao cho Tập đoàn Dewan được thực hiện dự án này theo hình thức BT (đầu tư xây dựng - chuyển giao). Một lãnh đạo sở là thành viên ban chỉ đạo xây dựng đề án cho rằng nếu có đầu tư bằng “đổi đất lấy trường học” để xây Trường ĐH Khánh Hòa thì thực chất đều là tài nguyên quốc gia, là vốn từ tài sản của Nhà nước. Trong khi chủ trương chung hiện nay là phải “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường ĐH tư thục, trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài”.
Vì vậy, dù vốn đầu tư là từ ngân sách của tỉnh hay trung ương cũng đều là ngân sách nhà nước nên không dễ xin vốn nhà nước để đầu tư “nuôi sống” ĐH Khánh Hòa.
Mặt khác, theo chỉ đạo của tỉnh và đề án đã xây dựng trong suốt mấy năm thì ĐH Khánh Hòa là “ĐH công lập đa cấp, đa ngành, thuộc tỉnh”.
Thế nhưng, ngày 24-10-2014 Chính phủ đã ban hành nghị quyết 77 có quy định: đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập không thực hiện thí điểm tự chủ theo nghị quyết này thì phải thực hiện theo quy định của nghị định số 43 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo thành viên ban chỉ đạo kể trên, những chính sách, quy định mới đó đã khiến việc thành lập ĐH Khánh Hòa theo đề án ban đầu của tỉnh “bị ngã ngửa”. Bởi Bộ GD-ĐT đã có yêu cầu ĐH Khánh Hòa chỉ xây dựng đề án đào tạo những ngành nghề mà Trường ĐH Nha Trang không mở và không trùng ngành nghề các trường ĐH trên địa bàn đang đào tạo nên “luồng ngành nghề đào tạo” của ĐH Khánh Hòa đã bị thu hẹp rất nhiều.
Do đó, nếu ĐH Khánh Hòa cũng phải thực hiện “tự chủ về tài chính” theo quy định vừa nêu của Chính phủ thì với các ngành nghề đào tạo như quản lý văn hóa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống hay bộ môn tiếng Nga... sẽ khó thu hút nhiều người học để đủ sức “tự chủ”, “tự nuôi sống” nổi.
Ông Lê Tuấn Tứ cho biết: “Theo đề án đang chờ trình Thủ tướng xem xét, quyết định thì ĐH Khánh Hòa sẽ là ĐH đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Vì là trường mới thành lập nên không thể “tự chủ tài chính” ngay được như các trường khác, mà cần phải có lộ trình riêng là “tự chủ có lộ trình”...
Theo thành viên ban chỉ đạo kể trên, “lộ trình riêng” đã được tham mưu cho tỉnh là vẫn đầu tư ngân sách nhà nước cho ĐH Khánh Hòa theo cách giảm dần, từ đầu tư toàn bộ cho đến khi chấm dứt hoàn toàn bao cấp là trong khoảng sáu năm, tới năm 2022. Còn theo ông Tứ thì “quyết tâm của tỉnh cho tới nay vẫn là thành lập ĐH Khánh Hòa là ĐH riêng của tỉnh, chứ còn làm phân hiệu của ĐH khác thì hiện nay ở Khánh Hòa đã có nhiều phân hiệu rồi...”.
Trường ĐH còn là bãi hoang...
Dự án xây Trường ĐH Khánh Hòa đã được tỉnh giao cho Tập đoàn Dewan (Ấn Độ) thực hiện trên khu đất 10,43ha ở thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, phía bắc TP Nha Trang. Khu này nằm cuối đường Phạm Văn Đồng rẽ ra quốc lộ 1 gần đèo Rù Rì, cách Trường CĐ Sư phạm Nha Trang hơn 18km.
Dự án xây dựng ĐH Khánh Hòa đã được động thổ ngày 24-1-2015, thế nhưng cho đến nay bên trong khu dự án mênh mông này đã được rào kín bằng tôn và chẳng thấy bóng người. Một người dân ở gần dự án cho biết: “Sau lễ động thổ, đến giờ chẳng thấy động đậy, xây dựng gì cả. Nhà tui ở sát đây và có thằng cháu làm bên công an xã nên tụi nó nhờ ban ngày coi ngó chừng không công giùm vầy thôi”.
Hiện tại thì “ĐH Khánh Hòa” vẫn còn đang là một bãi đất hoang sau tấm bảng quảng cáo mô hình trường khá hoành tráng, treo cao bên cổng sắt khép kín của dự án.
Khi ĐH Khánh Hòa được thành lập, xây dựng xong tại khu đất gần đèo Rù Rì kể trên thì Trường CĐ Sư phạm Nha Trang sẽ phải di dời ra cơ sở mới này.
Còn hiện tại trường CĐ Sư phạm Nha Trang vẫn là một trường độc lập, đang giảng dạy đào tạo tại các cơ sở đã tồn tại suốt mấy chục năm qua ở khu “đất vàng” có tới ba mặt tiền các đường: Trần Phú, Nguyễn Chánh và Trần Hưng Đạo của TP Nha Trang. Đến nay chưa có quyết định di dời, chuyển giao đất đai của Trường CĐ Sư phạm Nha Trang cho nhà đầu tư như đã nêu trên.
|